Mục lục
1. Tại sao biển có những dòng nước ngược?
Nguyên nhân chính là có những luồng gió thổi theo một hướng cố định trên mặt biển. Các luồng gió này đi tiếp vào lục địa. Khi đến bờ biển, dòng nước đi dọc theo bờ và đôi khi quay trở ra theo hướng ngược lại. Các dòng nước biển rất quan trọng vì chúng mang các khối nước từ vùng lạnh đến vùng nóng và ngược lại. Những dòng xuất phát từ xích đạo dĩ nhiên là những dòng nước nóng; những dòng đi xuống vùng xích đạo là những dòng nước lạnh. Dòng Labrador là dòng lạnh mang theo các khối băng thường gây trở ngại cho tàu bè. Dòng nóng Gulf Stream giúp các cảng Na Uy khỏi bị đóng băng. Ở vùng biển nơi hai dòng này gặp nhau, có rất nhiều phiêu sinh vật, nên ngư nghiệp ở đây phát triển mạnh.
2. Tại sao nước biển mặn?
Nước biển chứa nhiều loại chất khoáng. Các chất khoáng này là thành phần cấu tạo của đá ở biển hoặc bằng hà. Nếu cho nước biển bốc hơi hết, ta sẽ còn lại các chất khoáng này. Đó là muối khoáng. Muối clorua natri chiếm 85% các loại muối khoáng trong nước biển. Độ mặn (hàm lượng muối) nước biển không mấy thay đổi theo chiều sâu, nhưng thay đổi khá nhiều trên mặt biển. Biển Baltic ít mặn nhất. Biển Đỏ lại rất mặn vì nhận ít nước ngọt từ sông ngòi đồng thời có độ bốc hơi rất cao. Các vùng biển nội địa lại càng mặn hơn: biển Chết chiếm kỷ lục về độ mặn. Người ta dẫn nước biển vào ruộng để thu hoạch muối.
3. Tại sao sóng biển lại vỡ tan?
Sóng do gió tạo ra. Sóng hình thành từ ngoài khơi xa, bị gió đẩy, sóng vào bờ. Khi bờ cạn, sự di chuyển của khối nước bị hãm lại trong khi đỉnh song vẫn tiếp tục tiến về phía trước và bị nâng lên. Cuối cùng, sóng bị vỡ ra và trải dài trên bờ.
Bước sóng của một con sóng là khoảng cách giữa đỉnh sóng này với đỉnh sóng kế tiếp. Khi độ sâu của biển giảm không bằng một nửa bước sóng, sóng sẽ bị đáy biển chặn lại, nhiều đỉnh sóng sẽ hợp lại với nhau làm một. Sóng sẽ lớn dần lên và nhô cao trước khi vỡ tan ra. Nếu bờ biển có dốc thoải, sóng sẽ tuôn vào và bước sóng rất dài thuận lợi cho ta chơi lướt ván.
4. Tại sao đôi khi biển ăn mòn đất?
Biển có một sức mạnh vô biên. Sóng có một sức mạnh đủ để phá hủy các bờ biển dốc đứng. Sức tấn công này gọi là xâm thực biển. Nó đạt đến tối đa nếu có đủ ba điều kiện sau đây: thủy triều cao, biển động và gió thổi vào đất liền. Sóng có thể tấn công bờ biển, cồn cát và bờ dốc thẳng đứng. Tác dụng của chúng càng hiệu quả nếu chúng mang theo các vật liệu rắn như là đá sỏi. Không khí bị nén trong các hang hốc cũng đóng góp vào việc phá vỡ các khối đá. Khi nền các bờ dựng yếu đi, bờ sẽ sập xuống.
5. Tại sao cát trên bờ biển có gợn sóng?
Gió và sóng kết hợp làm thay đổi mặt cát trên bờ. Các gợn sóng trên cát mà ta thấy trên bờ biển hình thành giống như trường hợp các đụn cát. Các gợn sóng xếp thành hàng thẳng góc với gió. Gió di chuyển và tập trung cát mịn lại tạo ra những vết nhăn, sau đó chúng lớn dần tạo ra những gợn sóng ngày càng lớn. Thủy triều liên tiếp lên xuống mỗi ngày hai lần cũng góp phần vào việc xây dựng hình dáng bờ biển. Sóng nhỏ đẩy nước biển ôm theo vòng lồi lõm của đáy biển. Sóng lớn mạnh sẽ cào mòn mọi gợn sóng của cát.
6. Tại sao gió thổi?
Mặt Trời đốt nóng khí quyển làm cho không khí chuyển động. Các chuyển động này chính là gió. Ở xích đạo, Mặt Trời thẳng đứng nên nóng hơn. Ở gần các cực, nắng chiếu nghiêng nên ít nóng. Phần lớn lượng nhiệt bị Trái Đất phản chiếu vào không gian, bị mây hấp thu, bị băng hà và các đồng tuyết phản chiếu. Nhiệt độ khác nhau nhiều nơi, tùy kinh tuyến, mùa, giờ trong ngày... Khí nóng bốc lên cao tạo ra vùng áp thấp, khí áp thấp lạnh sẽ đến thế chỗ. Vùng này lại biến thành vùng áp cao. Gió là sự dịch chuyển không khí từ vùng áp cao đến vùng áp thấp
7. Tại sao gió thường xoay tròn?
Trên mặt đất, gió xoay tròn vì Trái Đất xoay. Nếu Trái Đất đứng yên, gió sẽ thổi theo đường thẳng từ vùng áp cao đến vùng áp thấp. Vì hành tinh chúng ta tự xoay quanh nó khá nhanh, gió phải thổi theo đường vòng tròn. Ở Bắc Bán cầu, gió xoay xung quanh vùng áp thấp ngược chiều kim đồng hồ. Ảnh chụp từ vệ tinh khí tượng cho thấy sự kiện ấy. Một cơn lốc cũng có chuyển động xoay tròn này nhưng với một đường kính nhỏ hơn nhiều. Áp suất tại đó rất thấp và gió cũng rất mạnh. Các vùng áp cao gọi là vùng phản lốc. Tại Bắc Bán cầu, gió ở vùng áp cao di chuyển theo chiều kim đồng hồ. Tại Nam Bán cầu thì ngược lại.
8. Tại sao có mây?
Một đám mây được tạo ra bởi hàng tỉ hạt nước và tinh thể bằng. Khi một đám mây hình thành, hơi nước trong không khí cô đọng lại nghĩa là chuyển sang thể lỏng dưới dạng những hạt nước nhỏ có thể nhìn thấy được. Không khí dù lạnh hay nóng luôn luôn chứa hơi nước mà ta không nhìn thấy được. Khi trời trở lạnh, không khí làm cho hơi nước đọng lại thành những giọt nước có thể nhìn thấy được. Có thể quan sát hiện tượng này khi ta mang một chai nước ra khỏi tủ lạnh. Khi tiếp xúc với chai lạnh, không khí đọng lại thành một lớp sương xung quanh chai. Tương tự vào mùa đông khi ta thở ra, hơi ha thở ra, hơi thở của ta cũng đọng lại như là mây vậy. Không khí lên cao thì lạnh dần. Không khí nóng ở một thành phố bay lên cao động lại thành mây. Không khí ở vùng núi bay lên cũng đọng lại thành mây.
9. Tại sao tiếng sấm lại luôn luôn đến sau ánh chớp?
Ánh chớp của một cơn giông không khác gì một tia điện. Tiếng sấm là tiếng động phát ra do tia chớp làm cho không khí giãn nở (tăng thể tích). Cả hai hiện tượng xảy ra đồng thời, tuy nhiên, ánh sáng đi nhanh hơn tiếng động rất nhiều, nên ta thấy ánh chớp trước tiên. Sấm sét là một tiếng động phát ra bởi sự va chạm mạnh của các phân tử không khí bị đốt nóng dọc theo đường di chuyển của chúng. Ánh sáng di chuyển 300.000km/s so với tiếng động 300m/s. Ta thấy ngay ánh sáng tia chớp và phải mất hàng chục giây sau mới nghe được tiếng sấm. Cơn giông càng gần thì khoảng thời gian xuất hiện giữa tiếng sấm và ánh chớp càng ngắn. Để tính cự ly của cơn giông (km) chỉ cần chia khoảng thời gian cho 3 (giây) từ lúc thấy ánh chớp đến khi nghe được tiếng sấm.